Lâm Đồng có 11 đơn vị hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện, 138 xã, phường, thị trấn. Thành phố Đà Lạt trung tâm hành chính, kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh, cách thành phố Hồ Chí Minh 300 km, Biên hòa 270 km, Vũng Tàu 340 km, Nha Trang 210 km. Hệ thống Quốc lộ 20, 27, 28 nối liền Lâm Đồng với các tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và các cảng biển ở miền Trung, miền Nam tạo nhiều thuận lợi trong giao lưu giữa Lâm Đồng với các tỉnh trong nước và quốc tế. Lâm Đồng có sân bay Liên Khương thuộc cụm cảng hàng không sân bay miền Nam, đảm bảo máy bay loại trung lên xuống an toàn. Hiện nay, phi trường thường xuyên có các chuyến bay trong nước. Trong tương lai phi trường Liên Khương được nâng cấp thành phi trường quốc tế và hệ thống đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm được khôi phục và mở rộng, quan hệ giao lưu giữa Lâm Đồng và bên ngoài sẽ có cơ hội phát triển hơn.
Đất đai và khí hậu Lâm Đồng thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, phát triển các cây con có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới, thực hiện mùa vụ đa dạng, cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Sản phẩm nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp chế biến và các hoạt động dịch vụ. Lâm Đồng có 8 nhóm đất khác nhau. Đất có độ dốc dưới 25 độ trên 50%. Chất lượng đất Lâm Đồng khá màu mỡ, trong đó có 200.000 ha đất Bazan phân bố tập trung trên địa hình tương đối bằng phẳng tại cao nguyên Bảo Lộc – Di Linh rất thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp dài ngày. Cây cà phê có tốc độ phát triển nhanh, đến nay có hơn 140.000 ha, sản lượng nhân trên 140.000 tấn, triển vọng sẽ lên đến 250.000 tấn nhân; Lâm Đồng đang thu hút vốn và đổi mới công nghệ sơ chế – bảo quản sau thu hoạch để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Lâm Đồng là vùng duy nhất ở các tỉnh miền Nam thích hợp cho cây chè. Đến nay, có 21.800 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 89.000 tấn, triển vọng phát triển đạt 25.000 ha, sản lượng 200.000 tấn búp tươi, Lâm Đồng đang có nhu cầu vốn lớn đầu tư chuyển đổi cơ cấu giống chè sang các loại có năng suất và chất lượng cao, đổi mới công nghệ và xây dựng các nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu.
Khí hậu Lâm Đồng, đặc biệt là vùng Bảo Lộc thích hợp cho việc nuôi tằm lưỡng hệ quanh năm, diện tích dâu hiện nay có 4.250 ha, sản lượng kén 2.200 tấn; triển vọng phát triển đạt 6.000 ha, sản lượng 4.500-4.800 tấn kén.
Cây điều có diện tích trên 9.000 ha, phân bố tại các huyện phía Nam, sản lượng 872 tấn nhân. Hiện nay, Lâm Đồng đang đầu tư thay thế, cải tạo giống và thâm canh để nâng năng suất điều lên 8-10 tạ nhân/ha; triển vọng đạt 10.000 ha, sản lượng 9.000 tấn.
Diện tích rau, hoa có 13.000 ha, chủ yếu tập trung tại Đà Lạt, Đơn Dương và Đức Trọng. Rau, hoa Lâm Đồng đa dạng về chủng loại, trong đó có những loại có giá trị cao. Hiện nay Lâm Đồng đang từng bước chuyển đổi sang sản xuất các loại rau an toàn và chất lượng cao. Lâm Đồng cũng có một số loại trái cây, diện tích 5.500 ha, sản lượng ước đạt 17.000-20.000 tấn, trong đó có một số trái cây đặc sản có giá trị cao như bơ, hồng, dâu tây…
Diện tích bắp có 13.400 ha, sản lượng 60.000 tấn, đặc biệt Lâm Đồng có vùng bắp lai tập trung tại Đức Trọng, thuận lợi để xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc.
Với lợi thế về khí hậu, Lâm Đồng có tiềm năng về chăn nuôi bò sữa, khả năng có thể phát triển đàn bò sữa lên 10.000 con, sản lượng sữa đạt 15.000 tấn, nhưng hiện nay chưa phát huy được.
Lâm Đồng có 676.236 ha đất lâm nghiệp, trong đó 617.000 ha có rừng, trữ lượng khoảng 50 triệu m3. Rừng Lâm Đồng thuộc loại đa dạng sinh học, có trên 400 loài cây gỗ, trong đó có nhiều loại lâm sản quý hiếm.
Với sản lượng gỗ tròn khai thác hàng năm 20.000-30.000 m3, Lâm Đồng có nhiều tiềm năng trong công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Nguồn tre nứa, lồ ô của Lâm Đồng khá dồi dào, diện tích đất trống có khả năng trồng rừng nguyên liệu khoảng 50.000-70.000 ha, thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến giấy và bột giấy.
Tài nguyên nước Lâm Đồng phong phú, hệ thống sông suối khá dày, tiềm năng thủy điện rất lớn. Hiện nay, ngoài thủy điện Đa Nhim, Suối Vàng, Hàm Thuận -Đạ Mi, Lâm Đồng đang xây dựng thủy điện Đại Ninh. Ngoài ra, sông Đồng Nai với tiềm năng thủy điện to lớn cần được khảo sát để xây dựng các nhà máy thủy điện quy mô lớn.
Lâm Đồng có nhiều loại khoáng sản như: bau xit, bentônit, đá quý, caolin -sét chịu lửa, than nâu, diatômit, sét gạch ngói, thiếc, đá ốp lát…Trong các loại khoáng sản trên, bau xit, caolin, bentônit có khả năng khai thác ở quy mô công nghiệp.
+ Bau xít: Trữ lượng 1.234 triệu tấn, phân bố tại Bảo Lộc, Bảo Lâm và Di Linh, trong đó mỏ Bảo Lộc trữ lượng 378 triệu tấn và mỏ Tân Rai trữ lượng 736 triệu tấn có chất lượng quặng khá tốt.
+ Caolin: Trữ lượng khoảng 520 triệu tấn, chất lượng tốt thích hợp để sản xuất các vật liệu chịu lửa.
+ Bentônit: Mỏ Tam Bố – Di Linh có nhiều triển vọng với trữ lượng 4 triệu tấn, chất lượng rất tốt.
+ Sét gạch ngói: Nguồn sét tại Lâm Đồng phong phú và phân bố rộng rãi, có nhiều thuận lợi để xây dựng các nhà máy gạch Tuynen.
Lâm Đồng có nhiều tiềm năng về nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến, hướng phát triển công nghiệp của Lâm Đồng là công nghiệp chế biến nông lâm khoáng sản, sản xuất hàng tiêu dùng và phục vụ du lịch.
Lâm Đồng đã tiến hành quy hoạch 2 cụm công nghiệp tại Phú Hội (quy mô 200 ha) và Lộc Sơn (quy mô 400 ha) dành cho các nhà đầu tư liên doanh liên kết xây dựng nhà máy với các điều kiện ưu đãi.
Với ưu thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên văn hóa nên từ lâu du lịch, nghỉ dưỡng là một thế mạnh của Lâm Đồng trong phát triển kinh tế. Lâm Đồng có 2 trung tâm du lịch lớn: đó là trung tâm du lịch phía Bắc và trung tâm du lịch phía Nam. Các loại hình du lịch Lâm Đồng khá phong phú, đa dạng: du lịch tham quan, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, leo núi… Khách du lịch đến Lâm Đồng mỗi năm khoảng từ 700 nghìn đến 800 nghìn, trong đó 10% là khách nước ngoài. Với việc đầu tư thêm các cơ sở tham quan, dịch vụ chất lượng cao, trong vài năm tới khách du lịch sẽ tăng hơn nhiều. Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn có sức chứa trên 20.000 khách/ngày.
Mặc dù có nhiều khó khăn song Lâm Đồng đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng làm tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay, đường giao thông đã đến được tất cả các xã và các cụm dân cư, đáp ứng phần lớn yêu cầu đi lại của nhân dân. Nguồn điện cung cấp cho Lâm Đồng khá ổn định, gồm Nhà máy thủy điện Đa Nhim, công suất 160 MW, Nhà máy thủy điện Suối Vàng công suất 3.500 KW, ngoài ra còn các nhà máy diesel Bảo Lộc, Di Linh, Càn Rang tổng công suất 4.165 KW phát hỗ trợ hệ thống khi cần thiết. Hệ thống điện được kéo đến các khu dân cư, hiện nay trên 80% số xã có điện. Hệ thống Bưu chính – viễn thông khá hiện đại, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các đô thị đã từng bước được xây dựng và nâng cấp. Tại Đà Lạt, Nhà máy nước Suối Vàng với công nghệ xử lý nước tương đối hiện đại có khả năng cung cấp 30.000 m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt và cho công nghiệp; tại các thị xã, thị trấn hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp khá đảm bảo.
Các công trình thủy lợi được tập trung xây dựng phục vụ tưới cho lúa, rau hoa và cây công nghiệp dài ngày. Đến nay, toàn tỉnh có trên 180 công trình thủy lợi lớn nhỏ, công suất tưới thiết kế trên 12.000 ha; trong đó có những công trình quy mô lớn như: Đạ Tẻh, Đạ Đờn, Quảng Hiệp…
Hiện nay dân số Lâm Đồng có 1.060.000 người. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Lâm Đồng đã tiếp nhận nhiều đợt di dân từ các địa phương trong nước đến lập nghiệp. Các cộng đồng dân cư tại Lâm Đồng mang nhiều đặc điểm đa dạng của các miền khác nhau trong cả nước, đoàn kết, cần cù, năng động, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh.
Để khai thác tiềm năng, xây dựng tỉnh Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp, Lâm Đồng trân trọng và sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Lâm Đồng cùng hợp tác liên doanh vì sự phát triển.