Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá cà phê tháng 8 trên thị trường toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, do cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng đến thị trường tài chính tại các nền kinh tế mới nổi.
Tại Đông Nam Á, thị trường giao dịch cà phê kém sôi động do tồn kho thấp khi Việt Nam ở cuối niên vụ 2017-2018 (kết thúc vào tháng 9). Trong 10 ngày giữa tháng 8, giá cà phê trong nước giảm từ 3,1-3,8% so với ngày 10/8. Nếu so với cùng kỳ tháng trước, giá cà phê giảm từ 3,4-4,6%.
Xuất khẩu cà phê đến giữa tháng 8 tăng 14,4% về lượng nhưng giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. |
Ngày 20/8, cà phê Robusta có mức giá thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây, ở mức 33.100 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng và 33.700 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk. Tại các kho quanh khu vực TP HCM, cà phê Robusta loại R1 có mức giá 35.400 đồng/kg, giảm 2,7% so với ngày 10/8 và giảm 3,5% so với cùng kỳ tháng 7.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, xuất khẩu cà phê trong 15 ngày đầu tháng 8 tăng mạnh. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê thời điểm này đạt 71.300 tấn, trị giá 130,15 triệu USD, tăng 23,8% về lượng và tăng 20,3% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7.
Nếu so với cùng kỳ năm 2017 tăng 59,9% về lượng và tăng 21,7% về trị giá. Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 8/2018, xuất khẩu cà phê đạt 1,243 triệu tấn, trị giá 2,382 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng nhưng giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Đặc biệt, trong 15 ngày đầu tháng 8, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt 1.824 USD/tấn, giảm 2,8% so với 15 ngày đầu tháng 7 và giảm mạnh 23,9% so với 15 ngày đầu tháng 8. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.916 USD/tấn, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Dự báo, những tháng cuối năm 2018, giá cà phê duy trì ở mức thấp. Doanh nghiệp và người trồng cà phê cần thận trọng trong việc dự trữ cà phê, giá cà phê có thể tiếp tục giảm khi vào vụ thu hoạch mới của Việt Nam, bắt đầu từ tháng 10/2018.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Thái Lan, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất tại Thái Lan, tốc độ tăng trưởng theo lượng lên tới 100,3%, nhờ đó thị phần cà phê của Việt Nam tại Thái Lan tăng từ 70,6% trong tổng lượng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2017 lên 91,3%.
Theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cà phê Việt Nam xuất khẩu đi hầu hết các nước trên thế giới hầu như không ảnh hưởng gì về quy chuẩn dư lượng chất bảo vệ thực phẩm. Cà phê được chế biến tại Việt Nam qua quá trình chế biến khô và chế biến ướt nên không giống như các mặt hàng nông sản khác như chè, hồ tiêu.
“Những năm gần đây, các tổ chức cà phê thế giới đánh giá rất cao chất lượng cà phê của Việt Nam, hầu như không có chuyến hàng nào phải trả lại. Tuy thế, các doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý với những cảnh báo của các thị trường nhập khẩu, có sự chủ động liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước để có thể có những cảnh báo đặc biệt là dư lượng hóa chất. Đây là vấn đề được Hiệp hội hết sức quan tâm và đã có thông báo cho các hội viên để tham dự các hội thảo giới thiệu chính sách từ phía các thị trường”, ông Vinh cho hay./.
Nguồn sưu tầm: vov.vn